ngan ở sài gòn reviewq sách chiêng nguyện hồn ai
Ngan Đọc

Chiêng Nguyện Hồn Ai – Khi tiếng chuông dẫn lối tử thần

phuongngan 

Kỉ nguyên số mang lại tiện ích cho cuộc sống, đồng thời cũng đặt ra bài toán hóc búa cho các tác giả trinh thám cổ điển.

Chiêng Nguyện Hồn Ai – Wangyuan, Vương Nguyên

Đứng trước bài toán khó ấy, nhà văn Wangyuan (Vương Nguyên) đã cho ra đời một tác phẩm trinh thám thú vị từ trang đầu cho đến trang cuối. Đó là một tác phẩm pha trộn yếu tố thiền định và kĩ thuật số nhuần nhuyễn đỉnh cao, mang tên Chiêng Nguyện Hồn Ai.

Thành công của Chiêng Nguyện Hồn Ai đến từ chính ý tưởng và bối cảnh độc đáo.

Dưới sự phát triển như vũ bão của kỉ nguyên kĩ thuật số, các nhà văn phải làm sao để tạo dựng nên một vụ án mạng hoàn hảo giữa hàng loạt camera, máy ghi âm, máy chụp hình… Một thời đại mà chẳng gì có thể qua mắt nổi công nghệ. Nhiều tác giả tìm cách xử lí vấn đề bằng cách đưa cốt truyện về với thời internet chưa phát triển, vắng bóng các thiết bị công nghệ hiện đại. Còn với Wangyuan, tác giả này lựa chọn tạo một mô hình phòng kín ở giữa thời đại phát triển rực rỡ của công nghệ.

Chiêng Nguyện Hồn Ai mở ra một kỷ nguyên của kỹ thuật, nhưng lại đưa độc giả vào một bối cảnh phi kĩ thuật đến tận cùng.

Câu chuyện bắt đầu với một tin tức nhỏ về Chu Vân Sinh – một nhà văn trinh thám – một tín đồ công nghệ, quyết định về ở ẩn sau khi mất đi người vợ thân yêu. Và sau đó, một bối cảnh mới được mở ra, đưa độc giả đến một hòn đảo độc lập. Tại đây, những vị khách ghé đảo sẽ bắt đầu một kì “thanh lọc công nghệ” – tách biệt con người với công nghệ.

Họ sẽ được học cách thiền, sống một cuộc sống KHÔNG MÁY MÓC, KHÔNG INTERNET, KHÔNG CÔNG NGHỆ. Họ mong muốn gác lại cuộc sống quay cuồng sau lưng, chỉ tập trung vào chính bản thân mình. Những tưởng chuyến đi sẽ giúp các vị khách khai phá tiềm năng của chính mình, ngờ đâu, họ lại mở đường cho Tử Thần ghé qua. Hàng loạt vụ án diễn ra. Từng người, từng người trút hơi thở cuối cùng trong căn phòng kín. Hòn đảo trở thành phòng giam biệt lập. Nó nhốt các vị khách quan giữa biển khơi mênh mông. Không thể liên hệ với người ngoài. Cũng không có cứu trợ.

Điều đặc biệt là, toàn bộ diễn biến xảy ra trên hòn đảo biệt lập kia được kể lại dưới góc nhìn của nhân vật “tôi” – một nhân vật bí ẩn và chỉ lộ danh tính ở các trang sách cuối cùng. Không khó để đoán ra danh tính ở bề mặt nổi của “tôi”. Nhưng chỉ khi đọc đến dòng cuối cùng, độc giả mới ngã ngửa khi được tác giả tiết lộ danh phận thực sự của “tôi”. “Tôi” không chỉ là “tôi”.

Nguồn: Facebook IPM

Tiếng chiêng nguyện hồn và hơi thở thiền định đã bao trùm tác phẩm.

Bên cạnh bối cảnh phòng kín vừa xa lạ vừa quen thuộc, tác phẩm cài cắm rất nhiều chi tiết liên quan đến thiền định.

Nếu như đã từng tìm hiểu về các trường phái thiền định hiện có, độc giả sẽ thấy rất nhiều yếu tố thiền định sát với thực tế. Cái hay của tác phẩm còn nằm trong việc mượn những ý nghĩa tốt đẹp của thiền định để cảnh báo con người về một tương lai có-thể-không-xa, một tương lai mà cuộc sống con người có thể hoàn toàn lệ thuộc vào công nghệ.

Lật giở từng trang sách, người đọc không khỏi băn khoăn. Liệu trong tương lai, có phải một ngày nào đó, con người đã phụ thuộc vào công nghệ đến mức chúng ta phải tìm đến các biện pháp để thanh lọc chính sự tiến bộ của khoa học không? Liệu rằng một ngày không xa, con người ta phải học cách tự bỏ đi những phát minh vĩ đại của loại người để tìm thấy bản ngã và kết nối với chính cơ thể mình?

Dẫu là một tác phẩm trinh thám, nhưng Wangyuan đã rất khéo léo gài gắm những thông điệp cảnh báo vừa nhân văn, mà cũng rất đáng báo động.

Hình ảnh của chiêng cũng lặp đi lặp lại trong suốt tác phẩm.

Trong phong thủy, chiêng là vật phong thủy, có âm thanh được truyền đi rất xa, được coi là có khả năng tịnh hóa hoàn toàn khí trường, tán trừ tà khí trong phạm vi rộng lớn. Chính vì thế trong tác phẩm này, tiếng chiêng được dùng để “thông báo” thời gian biểu cho các vị khách tham gia thanh lọc công nghệ trên đảo.

Và chính tiếng chiêng cũng đóng một vai trò quan trọng trong các án mạng thảm khốc diễn ra ở hòn đảo biệt lập này. Đem một vật tán trừ tà khí để biến thành một vật đại diện cho cái tà, phải chăng tác giả muốn sự đối lập này dội sâu hơn vào lòng độc giả. Dù là thời đại nào, dù là công nghệ nào, phải chăng cái đáng sợ nhất không phải là sự tân tiến của máy móc, mà chính là lòng người? Bởi chỉ có lòng người mới có thể khiến công nghệ trở thành một vũ khí hại người lạnh lẽo.

Nguồn: Facebook IPM

Tác phẩm mở đường cho con đường mới cho trinh thám cổ điển sống giữa thời đại công nghệ đang phát triển đỉnh cao.

Chiêng Nguyện Hồn Ai mở ra con đường mới cho trinh thám cổ điển sống giữa thời hiện đại.

Nhận xét về tác phẩm này, nhà phê bình văn học Tamada Makoto đã nói:

Chiêng Nguyện Hồn Ai là một tác phẩm tiềm tàng khả năng thay đổi lề lối của giới tiểu thuyết trinh thám cổ điển, y như cách Thập Giác Quán đã làm. Thập Giác Quán khoác lên mình lớp vỏ bọc cổ điền rất đúng quy củ, đưa vào biết bao nhiêu kĩ xảo “lừa đảo”, thổi luồng sinh khí mới cho tiểu thuyết trinh thám cổ điển. Tương tự, Chiêng Nguyện Hồn Ai cũng đã cài cắm những thủ pháp cổ điển thế kỉ 21 vào chính cái cổ điển quy củ, triển khai một cấu trúc rất khó nắm bắt, đặt cho chúng ta câu hỏi rằng tiểu thuyết trinh thám cổ điển từ nay sẽ có diện mạo như thế nào, và từ đó tạo ra một kiệt tác. Đúng vậy, có thể coi tác phẩm này là ‘Thập Giác Quán’ của thế kỉ 21.

Tamada Makoto

Chiêng Nguyện Hồn Ai đạt giải Nhất trong Giải thưởng Trinh thám King Car-Soji Shimada năm 2021. Tác phẩm được ban giám khảo đánh giá cao bởi các yếu tố trinh thám và ý tưởng rất mới mẻ. Nếu là một tín đồ đam mê những vụ án bí ẩn trong phòng kín, đừng bỏ lỡ cuốn tiểu thuyết nhỏ nhưng có võ này!

ngan ở sài gòn ngan đọc review sách chiêng nguyện hồn ai
Nguồn: Facebook IPM

——————————————————————————————————-

Xem thêm những cuốn sách thú vị khác Ngan đã đọc tại: http://192.168.50.166/wordpress/ngan-doc/

Follow những lời lảm nhảm của Ngan tại Facebook: https://www.facebook.com/nganosaigon

Recommended Posts

Leave A Comment